Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner
Thuyết trí thông minh đa dạng được tiến sĩ Howard Gardner, giáo sư về giáo dục tại đại học Harvard đề xuất vào năm 1983. Lý thuyết này cho rằng cách đo đạc trí thông minh của con người căn cứ trên chỉ số I.Q là một phương pháp hạn chế.
Howard Gardner
Theo Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau.
Trí thông minh ngôn ngữ: bao gồm sự khả năng nói và viết, khả năng học ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ để đạt được mục tiêu. Trí thông minh này bao gồm cả khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả để thể hiện bản thân bằng hùng biện hoặc qua thi ca; hoặc có thể dùng ngôn ngữ để nhớ thông tin. Các nhà văn, nhà thơ, luật sư và diễn giả là những người mà theo Howard Gardner có trí thông minh ngôn ngữ tốt.
Trí thông minh logic - toán học: bao gồm khả năng phân tích các vấn đề một cách logic, thực hiện các hoạt động liên quan đến toán học tốt, xem xét các vấn đề rất khoa học. Theo Howard Gardner thì những người có trí thông minh này có khả năng phát hiện, suy diễn ra các trình tự, lý do và tư duy logic tốt, cách tư duy theo dạng nguyên nhân – kết quả,. Trí thông minh này có mối liên quan chặt chẽ với những ý tưởng khoa học và toán học, khả năng sáng tạo các giả thuyết, tìm ra các mô hình số học hoặc quy tắc dựa trên các khái niệm, đồng thời ưa thích các quan điểm dựa trên lý trí trong cuộc sống nói chung.
Trí thông minh âm nhạc: bao gồm các kỹ năng biểu diễn, sáng tác, và cảm nhận âm nhạc. Thông minh âm nhạc thúc đẩy khả năng nhận biết và sáng tác âm điệu, cao độ và nhịp điệu. Theo Howard Gardner thông minh âm nhạc song song với thông minh về ngôn ngữ. Ngoài ra, trí thông minh về âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn là người đó có khả năng nghe tốt, có thể hát theo giai điệu, biết dành thời gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục âm nhạc khác nhau với sự chính xác và sáng suốt của các giác quan.
Trí thông minh vận động: khả năng sử dụng cơ thể hoặc một phần cơ thể con người để giải quyết vấn đề, bao gồm cả khả năng của trí não điều khiển các hoạt động đó. Howard Gardner thấy rằng có sự liên hệ giữa hoạt động của trí óc và hoạt động thể chất. Các vận động viên thể thao, những người làm nghề thủ công, những thợ cơ khí và các bác sĩ phẫu thuật là những người sở hữu khả năng này của tư duy. Những người thuộc loại tài năng này rất khéo léo và thành công trong nghề thêu may, nghề thợ mộc hay nghề tạo mẫu. Hoặc họ có thể ham thích và theo đuổi những hoạt động của cơ thể như đi bộ đường dài, khiêu vũ, chạy bộ, cắm trại, bơi lội hoặc đua thuyền. Họ là những người thực hành, nhạy cảm, thường xuyên muốn vận động cơ thể của họ và có “phản ứng bản năng” với các tình huống, sự vật.
Trí thông minh hình ảnh (hay còn gọi là trí thông minh thị giác): Trí thông minh hình ảnh liên quan đến suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng và khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo lại những góc độ khác nhau của thế giới không gian trực quan. Những người sở hữu loại trí thông minh về không gian ở mức độ cao thường có một độ nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan và có thể hình dung được một cách sống động, vẽ ra hay phác họa những ý tưởng của họ dưới dạng hình ảnh, đồ hoạ, cũng như họ có khả năng tự định hướng bản thân trong không gian 3 chiều một cách dễ dàng.
Trí thông minh tương tác (hay còn gọi là trí thông minh giao tiếp): Đây là năng lực hiểu và làm việc được với những người khác. Một cá nhân có trí thông minh về tương tác ó thể rất giàu lòng trắc ẩn và đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, hoặc là người có sức lôi cuốn đối với mọi người và tập thể. Họ còn có khả năng thấu hiểu những người khác và từ đó nhìn ra viễn cảnh của thế giới bên ngoài bằng chính cặp mắt của những con người đó. Trong thực tế, họ rất tuyệt vời với vai trò của người môi giới, người hoà giải hoặc là thầy giáo, tư vấn tâm lý.
Trí thông minh nội tâm: Một người mạnh mẽ về loại trí tuệ này có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn rõ được những cảm xúc của chính bản thân mình, phân biệt được giữa nhiều loại trạng thái tình cảm bên trong và sử dụng chính những hiểu biết về bản thân mình để làm phong phú thêm và vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Họ có thể là người rất hay tự xem xét nội tâm và ham thích được trầm tư suy nghĩ, được ở trong trạng thái tĩnh lặng hay trong các trạng thái tìm hiểu tinh thần một cách sâu sắc khác. Mặt khác họ có thể là người có tính độc lập mạnh mẽ, tính thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, có kỷ luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ thuộc dạng tự lập và thích làm việc một mình hơn là làm việc với người khác.
Trí thông minh tự nhiên: Trí thông minh tự nhiên giúp cho con người nhận thức, phân loại và rút ra được những đặc điểm của môi trường. Những người có trí thông minh về tự nhiên luôn hòa hợp với thiên nhiên và thích thú với sự nuôi trồng, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về các sinh vật. Những người này thích cắm trại, làm vườn, leo núi, khám phá thế giới và không hứng thú với những đề tài không gắn với môi trường.
Thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner được trường Mầm non Ngôi Sao Hạnh Phúc vận dụng vào các chương trình chăm sóc giáo dục nhằm khai thác tối ưu năng lực vượt trội của trẻ.
Thông tin liên hệ:
TRƯỜNG MẦM NON NGÔI SAO HẠNH PHÚC
HAPPY STARS KINDERGARTEN
403 Trần Xuân Soạn, khu phố 1, phường Tân Kiểng, quận 7, Tp.HCM
Phone: (84) 028 6276 7555 - 028 6262 4142
Hotline: 0931 811 911
Email: [email protected]
www.happystars.edu.vn – www.ngoisaohanhphuc.edu.vn
www.facebook.com/HappyStarsKindergarten
www.youtube.com/channel/UCItNYDzCW-pJSyfkaE4SI8w